Chào cả nhà. Hôm nay mình không có review sản phẩm nào hết. Mà mình chỉ muốn chia sẻ về vấn đề tẩy da chết í.
Ngày trước mình cứ nghe loáng thoáng là AHA rồi BHA, rồi tẩy da chết hoá học, vật lí, cứ nghe vậy thôi chứ… có hiểu gì mấy đâu, phần cũng vì bản thân mình không chịu tìm hiểu vì nghĩ nó là cái gì đó dài dòng, khó hiểu, nghỉ đọc cho phẻ.

Mình nghĩ rằng nhiều bạn cũng mơ hồ giống mình vậy đó. Nhưng sau khi học được và hiểu một chút về nó, mình quyết định gom lại cái “khó nhai” đó thành 1 bài viết đơn giản cho các bạn để các bạn dễ hình dung và giúp các bạn phần nào dễ tìm được cho mình sản phẩm phù hợp nhất nhé!
Bắt đầu nào!
TẨY DA CHẾT BAO GỒM 2 LOẠI CHÍNH LÀ VẬT LÝ (CƠ HỌC) VÀ HÓA HỌC.
I. Tẩy da chết vật lí (cơ học) bao gồm các sản phẩm dạng:
▪️ Scrubs (hạt): cách sử dụng là nên để mặt và tay ướt để massage thì mới có độ trơn từ đó giúp sản phẩm dễ dàng lấy đi lớp da cũ, tuy nhiên dạng hạt này thường thô nên dễ rát da lắm mấy bạn à. Mấy bạn nhớ massage thật nhẹ nhàng thôi nha, còn bạn nào da nhạy cảm thì thôi mình không nên sử dụng dạng scrubs này.
▪️ Peeling gel (gôm): dạng này thì không có hạt, lúc dùng thì nên để da mặt và tay thật khô rồi khi dùng lên da mới hiệu quả được, mình đọc bài của chị Hanah thì chị đó có nói là “Peeling Gel lợi dụng phản ứng giữa các sợi Polymer trong sản phẩm (cụ thể là Silicone) và dầu (trong cả sản phẩm và bã nhờn trên da), vón cục lại tạo thành thứ giống như “ghét” nhưng thật ra không phải là đất (ghét). Chuyển động lăn tròn của những cục silicone này sẽ nhẹ nhàng chà xát bề mặt da đồng thời lấy đi dầu thừa trong lỗ chân lông. Vụn silicone này mềm dẻo và khá dính nên khi lăn trên mặt, các bụi bẩn trên bề mặt da sẽ bị bám theo (đó là lý do khiến các vụn trắng ban đầu dần bị dơ và ngả sang màu xám)”
.
II. Tẩy da chết hoá học.
Tức là tẩy sạch da chết bằng các chất hoá học điển hình như AHA (Alpha Hydroxy Acid) và BHA (Beta Hrydroxy Acid). Trong đó:
▪️ AHA (các bạn có thể đọc bài chi tiết về AHA tại đây): là dạng acid gốc nước, hoà tan trong nước, giúp kích thích sản sinh collagen và elastin, phù hợp với da khô, xỉn màu, lão hoá. AHA có 4 loại như sau:
▫️ Glycolic Acid được chiết xuất từ mía, dứa: giúp điều trị lão hoá, giảm sắc tố, giảm chứng da sần vỏ cam.
▫️ Lactic Acid được chiết xuất từ sữa chua: giúp làm trắng sáng da, dưỡng ẩm, chống lão hoá.
▫️ Acid Citric được chiết xuất từ quả chanh, cam: giúp sáng da, hỗ trợ điều trị mụn.
▫️ Mandelic Acid chiết xuất từ hạnh nhân đắng: làm sáng da, trị mụn, chống lão hoá, dùng được cho da nhạy cảm.
▪️ BHA (Salicylic Acid): ngược với AHA, BHA có gốc dầu, hoà tan trong dầu rất nhanh, men theo dầu trên da chúng ta đi thẳng vào lỗ chân lông để phân huỷ bã nhờn, kháng viêm hiệu quả, vì vậy không hổ danh để nói BHA là kẻ thù của các loại mụn, đặc biệt là mụn viêm 😎
Hiện nay BHA chỉ được chiết xuất từ duy nhất mỗi cây liễu trắng.
Công thức mix các loại tẩy da chết hoá học theo công dụng mong muốn:
- Muốn trắng da, giảm thâm nám: mix giữa Mandelic Acid và Lactic Acid (tỉ lệ 1:1)
- Muốn xoá nếp nhăn, chống lão hoá: mix giữa Mandelic Acid và Glycolic Acid (tỉ lệ 4:6)
- Muốn trị mụn: Salicylic Acid và Mandelic Acid (tỉ lệ 2:8)
So sánh về tẩy da chết cơ học và hoá học:
Theo ý kiến cá nhân của mình thì tẩy da chết hoá học hiệu quả vượt trội hơn nhiều. Tuy nhiên nếu bạn có dùng tẩy da chết hoá học thì dùng các loại có nồng độ % nhẹ nhẹ thôi nha, mạnh quá mà mình không có nghiệp vụ sẽ dễ hỏng da đó.
Mình đưa ra công thức như vậy cho mấy bạn biết thôi chứ tốt nhất đừng thử tại nhà vì có nguy cơ gây phỏng, rát da. Hiện nay có nhiều spa, thẩm mỹ viện peel da bằng cách này, nếu da bạn nào xấu có thể tham khảo rồi kiếm nơi uy tín, an toàn để thực hiện peel nhớ.
Những gì mình chia sẻ mình biết chưa là gì so với các bậc tiền bối trong đây, nên mình hi vọng nếu mình có sai sót ở đâu, chị em nhớ giúp đỡ mình với nha 😍😍😍