Nổi mụn khi dùng mỹ phẩm – Nên dừng lại hay không?

Đã bao giờ bạn thử dùng một sản phẩm chăm sóc da và bị nổi mụn ồ ạt? Tại sao da bạn lại nổi mụn, và bạn phải làm gì? Đây có thể là một trong hai vấn đề sau:

PURGING: da bạn nổi mụn do đang điều chỉnh thích nghi với sản phẩm mới, và nếu kiên trì tiếp tục sử dụng, da sẽ dần cải thiện và thấy hiệu quả. Thực chất là đống mụn mới nổi lên có nghĩa là sản phẩm đang phát huy tác dụng của nó. Đây gọi là quá trình đẩy mụn — “gets worse before getting better”.

BREAKOUT: da bạn nổi mụn do nhạy cảm với một thành phần nào đó có trong sản phẩm. Nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dị ứng, hoặc kích ứng. Việc tiếp tục dùng sản phẩm sẽ chỉ khiến da tệ đi.

Nếu như là PURGING, bạn nên TIẾP TỤC DÙNG sản phẩm.
Nếu như là BREAKOUT, bạn nên ngừng sản phẩm ngay lập tức.

Vậy làm thế nào để phân biệt giữa breakout và purging?

Dễ nhất mà nói, thì PURGING là khi bạn thấy mụn nổi lên ở những vùng da hay có mụn hoặc đang có mụn ẩn (sờ lên da thấy lợn cợn hạt), còn BREAKOUT là khi mụn bỗng dưng xuất hiện ở vùng da chưa từng / rất ít khi có mụn. Ví dụ như Cece hay bị mụn ở má và cằm thôi, mà bỗng nhiên dùng sản phẩm mới, trán bị nổi mụn, thì khả năng lớn là sản phẩm đó gây breakout cho Cece.

Nếu muốn hiểu sâu hơn nguyên lý purging và breakout, hãy đọc tiếp nhé!

Muốn hiểu được cơ chế phản ứng này của da, thì cần hiểu qua về CÁCH MỤN HÌNH THÀNH.

=> Tế bào chết không tự rụng và di chuyển lên bề mặt da hiệu quả
=> Làm tắc nghẽn lỗ chân lông
=> Hình thành microcomedone (nhân mụn không viêm siêu nhỏ) từ tế bào chết và bã nhờn)

Microcomedones có thể phát triển và biến thành dạng mụn đầu đen / đầu trắng, mụn ẩn, mụn trứng cá, mụn bọc,… Hoặc nó cũng có thể tự biến mất mà bạn không để ý. Thường sẽ mất tới khoảng 8 tuần để một microcomedone di chuyển lên bề mặt da.

PURGING XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Các sản phẩm khiến cho da purging thực chất đẩy nhanh tốc độ của chu trình thay tế bào da (cell-turnover), khiến cho các microcomedones biến thành mụn đầu đen / trứng cá / mụn bọc … và di chuyển lên bề mặt da nhanh hơn, như vậy sẽ dần giảm lượng tế bào chết tích tụ trên da, đỡ dần vấn đề tắc nghẽn lỗ chân lông, và các microcomedones mới sẽ bớt hình thành hơn. Đây chính là quá trình hoạt động của các sản phẩm điều trị mụn như BHA hay Retinol / Tretinoin.

Vì những cái microcomedones biến thành mụn sẽ lành dần và các microcomedones mới sẽ bị hạn chế sự hình thành, nên sau một thời gian purging, da sẽ sạch hơn và thấy hiệu quả giảm mụn.

BREAK OUT XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Thành phần trong sản phẩm bạn dùng gây tắc nghẽn lỗ chân lông nặng hơn và tạo thành các microcomedones mới, hoặc nó đang gây tổn thương cho da, hay da bạn vốn dĩ bị nhạy cảm với thành phần này. Ví dụ như mineral oil (dầu khoáng) có thể là chất dưỡng ẩm rất hiệu quả cho người này, nhưng lại gây tắc nghẽn lỗ chân lông / nhạy cảm cho người kia. Đôi khi có thể là do thành phần đó không tốt, nhưng cũng có thể là do da bạn không hợp nó thôi.

Da có thể sẽ mãi không bao giờ thích ứng được với sản phẩm / thành phần gây breakout, nhưng cũng có thể sẽ làm quen được với sản phẩm sau một thời gian sử dụng.

SẢN PHẨM NÀO THƯỜNG KHIẾN DA PURGING?

Những sản phẩm có chứa thành phần kích hoạt (active ingredients) tác động tới chu trình thay tế bào da (cell-turnover rate) sẽ thường làm da purging. Cece xin nhắc lại là purging không hề xấu nếu biết xử lý đúng cách, vì nó làm sạch microcomedones và điều trị mụn dứt điểm.

Những thành phần đẩy nhanh quá trình thay tế bào da bao gồm:

  • AHAs (glycolic, lactic, malic, mandelic, salicylic, lactobionic acids; gluconolactone; “các acid từ hoa quả”)
  • BHAs (salicylic acid) / LHA
  • Vitamin C (ascorbic acid, sodium/magnesium ascorbyl phosphate, ascorbyl palmitate)
  • Retinoids (retinol, tretinoin, adapalene, tazarotene, isotretinoin, retinyl palmitate)
  • Benzoyl Peroxide
  • Các trị liệu như chemical peels, lasers, microdermabrasion
  • Enzyme exfoliansts

Đây đều là những thành phần rât tốt cho da mà mình đã có bài review trước đây Đọc hiểu một số thành phần tốt cho da. Thường thì các loại sản phẩm chăm sóc da cơ bản không chứa active ingredients sẽ có khả năng gây purging rất rất thấp.

PURGING KÉO DÀI TRONG BAO LÂU?

Thường thì quá trình purging sẽ chỉ kéo dài trong 1-2 tháng, nhưng trong những trường hợp đặc biệt có thể tới 6 tháng (theo kinh nghiệm của Cece), tùy thuộc vào tình trạng da và các yếu tố khác của mỗi cá nhân. Nếu như kéo dài quá 6 tháng mà không có tiến triển, bạn nên ngưng sử dụng sản phẩm đó.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM TỔN THƯƠNG DA KHI PURGING?

Một trong những câu hỏi Cece nhận được nhiều nhất là “Purging có làm cho da nổi mụn bung bét không? Mình không muốn đẩy mụn mạnh quá đâu, từ từ thôi nhé”.  Đây là những phương pháp cơ bản nhất để KIỂM SOÁT PURGING:

  • Cần có chu trình skincare cơ bản tốt trước khi dùng sản phẩm có active ingredients ở nồng độ cao
  • Bắt đầu sử dụng sản phẩm ở nồng độ thấp trước rồi tăng nồng độ dần (đặc biệt với Retinol / Tretinoin)
  • Bắt đầu sử dụng sản phẩm với tần suất thấp trước rồi tăng tần suất lên
  • Có cách đối phó với các nốt mụn khi đẩy lên
  • Chăm sóc và bảo vệ da đều đặn

Skincare with Cece