Tất cả những gì bạn cần biết về kem chống nắng

Kem chống nắng hiện nay được xếp vào hàng “nhu yếu phẩm” của những tín đồ làm đẹp. Thậm chí bạn không phải “tín đồ” đi chăng nữa nhưng nếu có chút quan tâm tới làn da của mình thì cũng đừng quên kem chống nắng trong bộ sản phẩm dưỡng da của mình.

Kem chống nắng – cái tên nói lên tất cả – là một loại kem giúp ngăn chặn da khỏi bị tổn thương từ các tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, cụ thể hơn là UVA và UVB. Đa số chúng ta nghĩ “tác hại của ánh mặt trời lên da” chỉ đơn thuần là khiến da bị đen sạm, cùng lắm trùm chăn ở nhà vài tháng là hết. Thực tế, những tia tử ngoại ấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng da bị lão hoá như xuất hiện các vết nám, đồi mồi và những nếp nhăn. Càng đi dưới nắng nhiều mà không có bất kì hình thức tránh nắng nào thì da càng mau xuống cấp.

À, có rất nhiều bạn hiểu sai về kem chống nắng, đừng nghĩ da bạn trắng và ít ăn nắng là hay nha. Da càng trắng càng dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, cụ thể là dễ bị nám hơn và nguy cơ ung thư da cũng cao hơn. Điều này lí giải tại sao những người da trắng ở xứ lạnh thường dễ bị ung thư da hơn dân Châu Á mình. Bởi nhiều khi Mị thấy mình cũng may mắn vì mình vốn da ngăm đen :)).

1. Vài điều căn bản cần biết về kem chống nắng

UVB và UVA

Trở lại với hai loại tia tử ngoại UVA và UVB. Nói đơn giản và ngắn gọn thì hai tia tử ngoại này chính là thủ phạm khiến chúng ta không thể duy trì mãi nét thanh xuân và gặp rất nhiều vấn đề về da. Bạn có thể nhớ đơn giản: UVA – Aging (Lão hoá) và UVB – Burning (Cháy nắng). Điều đau lòng nhất đó là hai tia này hoàn toàn có thể tác động lên da dù cho bạn có mặc áo khoác dày đi chăng nữa, thậm chí UVA còn xuyên được qua cả cửa kính. Và đây cũng chính là nguyên nhân cho ra đời kem chống nắng.

Các chỉ số SPF và PA

SPF

Trên các chai kem chống nắng hay có ghi những con số nhưng SPF 30, SPF 50. Chỉ số SPF này báo cho chúng ta biết loại kem chống nắng này có thể bảo vệ bạn khỏi tia UVB hiệu quả tới đâu.

Có rất nhiều nguồn giải thích rằng cứ mỗi 1 SPF sẽ bảo vệ chúng ta tầm 15-20 phút, tức số SPF càng cao, như SPF 50 chẳng hạn, thì bạn thả ga chơi dưới nắng tới 6-7 tiếng đồng hồ. Thực chất đây là một điều không chính xác vì chúng ta luôn phải bôi lại kem chống nắng cứ 2 tiếng một lần. Số SPF cao có nghĩa loại kem chống nắng đó lọc tia UVB tốt hơn loại kem chống nắng có chỉ số SPF thấp hơn mà thôi.

Chỉ số SPF Số % tia UVB được lọc
SPF 2 50
SPF 4 70
SPF 8 87.5
SPF 15 93.3
SPF 30 96.7
SPF 50 98

Hiểu nôm na như sau: Có 100 tia UVB chiếu đến da của bạn, khi bạn bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 15 thì khoảng 93 tia sẽ bị hấp thụ, chỉ còn 7 tia tác động lên da thôi. Như vậy, khi bạn bôi một kem chống nắng có chỉ số SPF 30 không có nghĩa bạn có quyền tung tăng dưới nắng lâu hơn gấp đôi khi bôi kem có chỉ số SPF 15, mà điều này chỉ có nghĩa số tia UVB chiếu đến da bạn đã bị chặn bớt đến gần 97%.

Có thể thấy SPF 30 và SPF 50 chỉ chênh nhau 1% về khả năng chống nắng nên bạn không nhất thiết phải lựa chỉ số SPF càng cao làm gì. Thậm chí SPF có là 70 hay 100 thì cũng không khác biệt với SPF 50 là mấy, các nhà sản xuất hay lừa tình in nhãn SPF cao để bán được thôi (khoản này thì Neutrogena là sư phụ).  Cái quan trọng nhất là mỗi lần bôi thật nhiều kem và cứ mỗi 2 tiếng bôi lại thì da mới được bảo vệ tốt.

PA

PA là chỉ số cho biết loại kem chống nắng này bảo vệ bạn khỏi tia UVA tốt đến đâu. Đằng sau chữ “PA” thường đi kèm theo dấu “+” như PA+, PA++, PA+++, PA++++. Càng nhiều dấu “+” thì khả năng che chắn UVA càng cao. Như vậy, nếu thời điểm hè bạn phải ra đường nắng gắt nhiều hoặc đi chơi biển thì nên chọn kem chống nắng PA+++ trở lên để được bảo vệ tốt.

Ngoài ra, nhiều hãng kem chống nắng không ghi chỉ số PA mà ghi “broad spectrum” để báo rằng loại kem chống nắng này bảo vệ da khỏi cả UVA lẫn UVB.

Các Loại Kem Chống Nắng

Có 2 loại kem chống nắng: Kem chống nắng vật lí (Physical sunscreen hay sunblock) và Kem chống nắng hoá học (Chemical sunscreen). Mỗi loại này có những ưu điểm riêng, phù hợp với sở thích và điều kiện của mỗi người. Để phân biệt được 2 loại này thì không có cách gì khác ngoài đọc thành phần ghi trên nhãn là chắc ăn nhất.

Kem chống nắng vật lí và hoá học

Như vậy, rốt cuộc thì chúng ta nên chọn kem chống nắng nào? Hoá học hay vật lí?

Điều này tuỳ thuộc vào kinh nghiệm sử dụng của bản thân mỗi người, thấy cái nào hợp với mình hơn thì chọn loại đó thôi. Riêng cá nhân Mị thì Mị chọn kem chống nắng vật lí, do những nguyên nhân sau đây:

  • Da Mị dễ bị kích ứng nên không hợp với nhiều loại kem chống nắng hoá học.
  • Avobenzone có trong kem chống nắng hoá học có thể làm quần áo sáng màu bị ngả sang màu cam ở những nơi tiếp xúc với da như cổ áo, cổ tay, … sau khi giặt. Mị đã phải vứt nhiều chiếc áo trắng vì điều này bởi mấy vết đó cực kì khó tẩy. Nguyên nhân của hiện trạng này là do nguồn nước giặt đồ ở nhà Mị có nhiều ion sắt. Khi ion sắt tác dụng với avobenzone từ kem chống nắng dính trên quần áo sẽ tạo ra vệt bẩn màu cam (màu rỉ sét). Để khắc phục tình trạng này thì dễ nhất chỉ có thay kem chống nắng thôi chứ sao mà thay nguyên nguồn nước giặt đồ được.
  • Kem chống nắng vật lí khi vừa bôi lên da là đã có tác dụng chống nắng ngay, không cần phải đợi ít nhất 20′ như kem chống nắng hoá học. Quá tiện và lợi :3

2. Cách sử dụng kem chống nắng

Bôi bao nhiêu kem là đủ

Càng nhiều càng tốt.

Khác với những kem dưỡng ẩm hay kem nền – bạn chỉ cần bôi một lượng nhỏ vừa đủ – thì bạn phải bôi một lớp kem chống nắng dầy để phát huy đúng hiệu quả, nhất là những lúc đi biển dang nắng nhiều. Đa số chúng ta toàn bôi kem chống nắng ở mức 1/4 hay 1/5 lượng cần thiết thôi nên chẳng lạ gì khi nhiều người đi nắng về hay than thở “Sao đã bôi kem chống nắng rồi mà vẫn đen da?”. Khi bôi không đủ kem chống nắng thì khả năng chống nắng giảm đi rất nhiều. Ví dụ kem chống nắng SPF 30 mà bạn chỉ bôi một nửa lượng cần thiết thì hiệu quả của kem lúc này chỉ tương loại kem SPF 5 mà thôi (thậm chí còn không được 15 nữa).

Khi hoạt động ngoài trời

Đối với trường hợp hôm nào bạn tiếp xúc với ánh nắng chói chang cả ngày như đi cắm trại, đi biển, đi học thể dục hoặc học quân sự (trời ơi, tui ghét cái này nhất) thì dùng như sau:

Mặt và cổ: Một lượng kem bằng đồng xu có đường kính 2cm (tương đương một muỗng cà phê đầy). Đừng quên bôi ở khu vực sau cổ, vành tai, gần chân tóc nhé.

Toàn cơ thể: Một lượng kem 30ml, tương đương với một lòng bàn tay đầy (là ít nhất). Điều này cũng có nghĩa nếu muốn đi biển bận bikini dang nắng mà không bị đen thì bạn phải xài hết nguyên một chai kem chống nắng Sunplay (dung tích 30g) mới đủ cho một lần toàn thân (Vâng, nếu trước giờ bạn đi biển về mà da vẫn bị cháy nắng dù đã bôi kem chống nắng thì đừng trách kem dỏm, thực tế là tại bạn xài không đủ thôi). Nếu bạn chỉ cần bôi tay và chân thì lấy một nửa số lượng dành cho toàn thân nói trên.

Tóm lại, khi dang nắng nhiều thì đừng keo kiệt, bôi càng nhiều càng tốt và cứ mỗi 2 tiếng thì bôi lại một lần. Thậm chí nếu bôi xong rồi bay xuống biển bơi một hồi thì khi lên bờ, nếu vẫn còn có nhu cầu ra nắng nữa thì phải bôi lại ngay dù chưa tới 2 tiếng. Đừng quên lựa những loại kem chống nắng có chỉ số SPF 50 PA+++, chống trôi, có độ bám cao để nước biển và mồ hôi không làm kem mất tác dụng nhanh nhé.

Khi sử dụng hằng ngày

Lưu ý, đây là trường hợp bạn chỉ phải đi ngoài đường trời nắng mỗi buổi sáng tầm 15′-30′ để từ nhà đi tới chỗ làm, chỗ học hoặc ra ngoài ăn trưa. Đương nhiên, trên da bạn lúc này cũng đã có đủ lớp nón, áo khoác dày và khẩu trang rồi. Nếu bạn phải ở dưới nắng lâu hơn thời gian này thì xin mời áp dụng trường hợp ở trên.

Thông thường, ở Việt Nam chúng ta có một thói quen khá tốt đó là ra đường nắng thì bịt mặt rất kín. Thật ra mặc đồ dày che nắng thì hạn chế được một phần tia UVB chứ không che chắn gì được tia UVA cả, thế nên việc sử dụng kem chống nắng mỗi ngày cũng rất cần thiết, nhất là mấy bạn có nhu cầu dưỡng trắng da. Nghĩ sao bôi kem dưỡng da ban đêm cho cơ thể nõn nà mà sáng để người phây phây cho ánh nắng mặt trời làm công dã tràn?

Nhờ đã có một lớp áo che chắn rồi nên việc dùng kem chống nắng cũng không còn quá khó khăn. Ở Việt Nam nắng gắt nên hãy chọn kem SPF 30, PA++ trở lên nhé.

Mặt và cổ: Một lượng kem chống nắng bằng một đốt ngón tay út, gia giảm nhiều hay ít tuỳ thuộc xem lớp kem trên mặt bạn đã phủ kín chưa.

Hiện nay có nhiều sản phẩm dưỡng da và makeup có đi kèm SPF trong đó nhưng thường chúng ta dùng các sản phẩm này một lượng rất ít nên khuyến khích các bạn dùng thêm kem chống nắng riêng bên ngoài. Tuy nhiên, giả sử bạn đi làm vào lúc 7h sáng – nắng còn yếu – thì thực ra một lớp phấn nền có SPF 30 và khẩu trang dày bịt mặt đã là đủ rồi.

Toàn thân: Đa phần chúng ta chỉ bôi cánh tay và chân nên cứ mỗi một bên cánh tay hoặc chân thì dùng một lượng kem bằng đồng xu có đường kính 1-1.5cm.

Trình tự bôi kem

Khỏi nói cũng biết một buổi sáng chúng ta phải thoa lên mặt nào là serum, lotion, kem dưỡng ẩm rồi cả phấn nền, phấn phủ. Vậy thì bôi kem chống nắng ở bước nào? Kem chống nắng là bước skincare cuối cùng. Cụ thể hơn bạn sẽ thoa như sau:

Toner > Serum/ Lotion> Kem dưỡng ẩm> KEM CHỐNG NẮNG> Makeup

Ngày trước, người ta còn khuyên nên bôi kem chống nắng hoá học trước cả kem dưỡng ẩm để phát huy tối đa hiệu quả. Tuy nhiên, kem chống nắng là một lớp bảo vệ rất dày nên nếu bôi trước các sản phẩm dưỡng da khác thì các sản phẩm kia không còn tác dụng gì nữa. Thế nên, sau khi đã xong các bước skincare cần thiết thì bạn hãy bôi kem chống nắng lên để “phong ấn” các dưỡng chất đó lại, tạo một lớp bảo vệ cho làn da.

Chỉ có thể làm sạch bằng kem tẩy trang

Đừng nghĩ đơn giản chỉ cần dùng sữa rửa mặt là sạch hết lượng kem chống nắng. Kem chống nắng thường bám trên da tốt nên nếu chỉ dùng sữa rửa mặt thì kem vẫn còn đọng lại ở kẽ mũi và trong lỗ chân lông. Khi kem chống nắng còn sót lại trên da thì da sẽ rất khô và lâu ngày lỗ chân lông bị bí, tạo thành mụn cám. Muốn làm sạch lớp kem chống nắng trên mặt thì bạn phải dùng kem tẩy trang hoặc dầu tẩy trang mới lấy hết được. Đối với cơ thể, hãy pha dầu oliu hoặc dầu dừa vào sữa tắm để lượng dầu đó rửa trôi các vệt kem chống nắng chống thấm, chống trôi cứng đầu.

3. Vài điều thắc mắc khác khi sử dụng kem chống nắng:

1. Nếu đã bôi kem chống nắng và makeup lên thì có cần thoa lại kem chống nắng mỗi 2 tiếng?

Giả sử bạn đi làm, đi học hằng ngày, bôi kem chống nắng và trang điểm vào buổi sáng rồi ở yên trong phòng có máy lạnh thì không cần phải thoa lại kem chống nắng.

Còn trường hợp khác như lúc bạn thấy lớp makeup đã bị phai đi nhiều và bạn có nhu cầu đi ngoài nắng sau đó thì lúc này bạn phải dặm lại lớp phấn và cả lớp kem chống nắng.

2. Kem chống nắng khi bôi lên da tạo thành một lớp màng trắng, trông không tự nhiên, nhất là ở mặt. Làm thế nào để khắc phục?

Loại kem chống nắng để lại một lớp màng trắng đó đa phần là kem chống nắng vật lí do có chứa kẽm oxit. Thật ra hiện nay có nhiều loại kem chống nắng có màu để bôi lên tệp chung với màu da nên đây không còn là vấn đề lớn nữa. Còn không thì bạn có thể thêm 1-2 giọt kem nền vào kem chống nắng để khắc phục tình trạng này. Lưu ý đừng cho nhiều kem nền quá vì có khả năng làm giảm hiệu quả của kem chống nắng.

3. Giả sử mình đã bôi một lớp kem chống nắng SPF 30 và một lớp kem nền SPF 15. Như vậy có nghĩa mình đang phủ một lớp chống nắng SPF 45 trên da?

Trong thế giới kem chống nắng không có quy tắc cộng dồn. Chỉ số SPF nào cao hơn thì đó chính là con số chống nắng cao nhất mà bạn có được. Ở trường hợp này thì bạn vẫn chỉ nhận được sự bảo vệ của SPF 30 thôi.

4. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF bao nhiêu thì được?

Ở Việt Nam gần đường xích đạo nên nắng rất gắt, bạn hãy mua kem chống nắng chắn được cả tia UVA và UVB, có tối thiểu SPF 30 và PA++ (hoặc có ghi “broad spectrum”) để sử dụng hằng ngày. Nếu đi biển thì lên SPF 50 và PA+++.

5. Nếu kem chống nắng đã có chức năng dưỡng ẩm đi kèm thì có cần dùng kem dưỡng ẩm trước?

Cái này thì Mị nghĩ tuỳ tình trạng da của mỗi người, nếu kem chống nắng của bạn vẫn đảm bảo giúp da bạn đủ độ ẩm thì không nhất thiết dùng kem dưỡng ẩm ở dưới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm bản thân Mị thì ai da dầu hoặc hỗn hợp dầu thì vẫn nên bôi một lớp kem dưỡng ẩm cung cấp nước cho làn da. Lí do là vì “độ ẩm” của kem chống nắng chủ yếu là do thành phần có chứa dầu dưỡng, chỉ hợp với ai có làn da khô thôi, còn da dầu thì thiếu nước chứ không thiếu dầu.

6. Nên dùng kem chống nắng dạng gì? Kem, gel, bình xịt hay thỏi?

Thông thường dạng kem là phổ biến nhất, gel dùng cho các trường hợp chống nắng nhẹ hằng ngày và dạng chai xịt dùng để đi biển hoặc thể thao. Bản thân Mị không thích dạng xịt lắm vì nếu xịt đúng quy cách (để vòi xịt xa và giữ lâu để cho lớp kem chống nắng vừa đều vừa dày) thì thấy rất tốn mà lại khó đều. Còn dạng thỏi, con lăn thì chất kem hơi cứng nên khó tán ra, bạn nào da khô sẽ thấy khó khăn khi sử dụng. Tóm lại dạng kem vẫn dễ xài nhất.

***

Hiện tại Mị chỉ gặp những câu hỏi như trên thôi. Bạn còn có câu hỏi nào thắc mắc về kem chống nắng thì hãy comment ngay tại đây nhé.

Hi vọng các bạn đã có một vốn kiến thức căn bản để chọn được kem chống nắng phù hợp 😀

Sắp vào hạ rồi, chúc các bạn vui khoẻ dưới ánh nắng mùa hè :”>